Bộ Nông nghiệp Phát triển Nông thôn và UNDP ký văn kiện dự án “Tăng cường khả năng chống chịu của nông nghiệp quy mô nhỏ với an ninh nguồn nước do biến đổi khí hậu khu vực Tây Nguyên và Nam Trung Bộ của Việt Nam”

28 May, 2021


Hà Nội, ngày 28 tháng 5 năm 2021
– Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và sự thống nhất của UBND 5 tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (MARD) và Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) đã tổ chức ký văn kiện dự án “Tăng cường khả năng chống chịu của nông nghiệp quy mô nhỏ đối với an ninh nguồn nước do biến đổi khí hậu khu vực Tây nguyên và Nam Trung bộ của Việt Nam”.

Dự án được Quỹ Khí hậu Xanh (GCF) phê duyệt viện trợ không hoàn lại với giá trị 30,2 triệu đô la Mỹ, sau những nỗ lực lớn vận động tài trợ do Bộ Kế hoạch Đầu tư – cơ quan thẩm quyền quốc gia (NDA) Quỹ GCF tại Việt Nam chủ trì và phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn. Dự án tận dụng và thúc đẩy nguồn đồng tài trợ 126 triệu đô la Mỹ của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) và của Chính phủ Việt Nam về hiện đại hóa hạ tầng thủy lợi. Dự án được phê duyệt minh chứng nỗ lực của Chính phủ Việt Nam và UNDP trong việc thúc đẩy kết nối tài chính và tăng hiệu quả đầu tư trong tăng cường khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu. Đây là dự án viện trợ không hoàn lại thứ ba được GCF tài trợ và UNDP hỗ trợ kỹ thuật.

Dự án do Bộ NN và PTNT điều phối và được triển khai bởi 5 tỉnh tham gia dự án là Đắk Lắk, Đắk Nông, Bình Thuận, Ninh Thuận và Khánh Hòa trong giai đoạn 6 năm 2021 - 2026. Sáng kiến mới này sẽ mang lại lợi ích trực tiếp cho hơn 222.400 phụ nữ và nam giới ở 5 tỉnh này (khoảng 10% dân số của các tỉnh) hưởng lợi từ hệ thống thủy lợi hiện đại hóa, cải thiện an ninh nguồn nước và các lựa chọn sinh kế, nâng cao kiến thức về rủi ro khí hậu và khả năng chống chịu kỹ thuật nông nghiệp và khả năng tiếp cận với các thông tin tư vấn về khí hậu và thị trường. Hơn 335.000 phụ nữ và nam giới sẽ được hưởng lợi gián tiếp từ việc nâng cao năng lực thông qua đào tạo và hỗ trợ kỹ thuật, tăng cường tiếp cận thông tin về rủi ro khí hậu và phổ biến rộng rãi các thực hành tốt nhất về nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu.

“UNDP rất tự hào về quan hệ đối tác hiệu quả với Chính phủ Việt Nam trong việc huy động nguồn tài chính khí hậu quốc tế nhằm hỗ trợ các nỗ lực của Chính phủ trong việc tăng cường khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu của các cộng đồng vùng dễ bị tổn thương, với việc ba dự án được GCF phê chuẩn. Dự án hôm nay chúng ta khởi động hướng đến những người nông dân nghèo và cận nghèo tại vùng Tây nguyên và Nam Trung bộ, thích ứng với hạn hán khốc liệt và gia tăng do tác động của biến đổi khí hậu. Dự án này cùng bổ trợ thúc đẩy một dự án khác của GCF mà UNDP đang hỗ trợ triển khai về xây dựng năng lực chống chịu bão lũ của các cộng đồng nghèo dễ bị tổn thương tại 28 tỉnh ven biển,” Bà Caitlin Wiesen, Trưởng đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam nói.

Việt Nam là quốc gia dễ bị tổn thương bởi biến đổi khí hậu và đã chịu tác động bởi nhiều sự kiện biến đổi khí hậu với mức độ khốc liệt hơn. Tây Nguyên và Duyên hải Nam Trung Bộ dự kiến sẽ hứng chịu những đợt hạn dài, khốc liệt và thường xuyên hơn vào mùa khô và mưa lũ nghiêm trọng hơn vào mùa mưa. Do vậy, nông dân đối mặt với việc năng suất cây trồng bị sụt giảm, từ đó ảnh hưởng đến an ninh lương thực và thu nhập.

“Việt Nam là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi biến đổi khí hậu và các hiện tượng thời tiết cực đoan như bão và hạn hán xảy ra thường xuyên hơn. Dự án sáng tạo này sẽ giải quyết các vấn đề quan trọng của an ninh nguồn nước cho các nông hộ quy mô nhỏ và sẽ hỗ trợ nông dân đặc biệt là phụ nữ, người dân tộc thiểu số và nông dân nghèo, chống chịu tốt hơn với các rủi ro biến đổi khí hậu đang ngày càng gia tăng đối với sản xuất nông nghiệp”. ” Ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nhấn mạnh.  

“Dự án này đáp ứng nhu cầu của người nông dân, không chỉ ở tỉnh Ninh Thuận mà còn ở cả 5 tỉnh dự án,” ông Lê Huyên, Phó chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận phát biểu. “Thông qua dự án này, nông dân sẽ tiếp cận được nguồn nước ổn định và được trang bị những kỹ thuật tiên tiến để sản xuất nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu, điều rất cần để tiếp tục phát triển kinh tế.”

Dự án được GCF phê duyệt thể hiện năng lực huy động nguồn lực tài chính khí hậu của Việt Nam với sự điều phối tích cực, chủ động, đóng vai trò quyết định của Bộ KH&ĐT - cơ quan thẩm quyền quốc gia (NDA) tại Quỹ GCF.

Để biết thêm thông tin, xin mời liên hệ:

Phan Hương Giang | Cán bộ báo chí và truyền thông, Biến đổi khí hậu và Môi trường, UNDP Viet Nam
ĐT. +84 4 38500136 | phan.huong.giang@undp.org

Ông Nguyễn Mạnh Ngọc | Quản lý dự án SACCR, Ban Quản lý Trung ương các dự án thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và PTNT
ĐT. +912215110 | mngoccpo@yahoo.com

Thông tin bổ trợ biên tập:

  • Nông nghiệp và tài nguyên nước là nền tảng sinh kế của khoảng 64% người dân ở vùng Tây Nguyên Việt Nam, đặc biệt là các dân tộc thiểu số. Khoảng 48% người dân ở khu vực Nam Trung Bộ sống dựa vào nông nghiệp để kiếm sống.
  • Tây Nguyên dễ bị thay đổi nguồn nước vào mùa khô khi mưa ít và dòng chảy sông thấp. Chỉ có khoảng 27,8% diện tích đất nông nghiệp của khu vực được tưới tiêu.
  • Bờ biển Nam Trung Bộ là khu vực khô nhất của đất nước với mùa khô kéo dài, lượng mưa thấp nhất và hệ thống sông tương đối nhỏ. Chỉ có khoảng 30% đất nông nghiệp được tưới tiêu.
  • Các dự án do GCF tài trợ tại Việt Nam